Năm 2003, Alibaba chuẩn bị ra mắt website thương mại điện tử Taobao thì SARS xuất hiện, khiến các doanh nghiệp phải đóng cửa và người dân ở trong nhà.
Dẫn dắt một công ty vượt qua đại dịch là điều cực kỳ khó khăn. Trong một số trường hợp, nó còn là điều không thể. Tuy nhiên, với những người biết cách, đây lại là cơ hội để doanh nghiệp nổi bật giữa đám đông.
Đó chính là trường hợp của đại gia công nghệ Trung Quốc Alibaba. Năm 2003, Alibaba chuẩn bị ra mắt Taobao – nền tảng thương mại điện tử cho người tiêu dùng – thì khủng hoảng ập đến. Đại dịch SARS xuất hiện khiến Trung Quốc chịu thiệt hại nặng nề. Các doanh nghiệp buộc phải đóng cửa và người dân phải ở trong nhà. Một nhân viên Alibaba thậm chí còn nhiễm SARS.
Đây là mối đe dọa lớn với công ty Alibaba non trẻ khi đó. Tuy nhiên, Jack Ma, Joseph Tsai cùng 16 đồng sáng lập Alibaba còn lại đã quyết định chuyển hướng. Họ thực hiện chính sách được đánh giá là mới lạ và kỳ cục khi đó – làm việc từ xa, để đảm bảo việc ra mắt đúng hạn.
“Chúng tôi muốn đảm bảo khi khách hàng email hay gọi điện, chúng tôi có thể phục vụ họ”, Tsai cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây, “Rõ ràng việc đầu tiên bạn muốn làm là đảm bảo nhân viên của mình an toàn, làm việc trong điều kiện mà mọi thứ đều vận hành bình thường. Miễn là ở nơi đó họ vẫn phục vụ được khách hàng”.
Các nhân viên được khuyến khích mang những thứ liên quan đến công việc về nhà. Họ cầm theo cả máy tính để bàn. Khi đó, nhân viên Alibaba làm việc tới 12 giờ mỗi ngày. Đường dây nóng chăm sóc khách hàng của công ty cũng được chuyển hướng về nhà của các nhân viên trong thời gian cách ly.
Trong khi đó, một nhóm khoảng vài lãnh đạo và kỹ sư phát triển sản phẩm của Alibaba giam mình trong căn hộ của Jack Ma ở Hàng Châu để hoàn thiện website cho Taobao.Theo kế hoạch, website này sẽ ra mắt chỉ trong một tuần sau khi lệnh cách ly được áp dụng. Cả nhóm đã phải trồng cây chuối khi giải lao để tăng lưu thông máu và duy trì năng lượng làm việc.
Ngày 10/5/2003, Taobao xuất hiện. Việc tự cách ly trong nhà khiến người tiêu dùng và các doanh nghiệp phải sử dụng Internet để mua bán online. Alibaba đã hưởng lợi lớn từ xu hướng này. Hiện tại, họ đã là công ty nổi tiếng thế giới với vốn hóa gần 700 tỷ USD.
Tsai cho biết sự kiên định với sứ mệnh là điều cốt lõi giúp công ty thành công. Và điều đó đến nay vẫn đúng. “Ngày nay, tập trung vào khách hàng vẫn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi”, ông nói.
Tsai khẳng định đây là bài học quan trọng với các startup đang vật lộn với Covid-19 hiện tại. Chủ doanh nghiệp nên tập trung vào mục tiêu cốt lõi. Vì nếu mục tiêu đó vẫn tồn tại trong khủng hoảng, nó xứng đáng được duy trì.
“Là một doanh nhân khởi nghiệp, tôi không cho rằng bạn nên theo đuổi các ý tưởng. Bạn nên quay về lý do ban đầu mình thành lập doanh nghiệp. Hãy nhìn xem sứ mệnh của mình là gì và mình muốn giải quyết vấn đề nào. Nếu vấn đề đó vẫn đang tồn tại và khách hàng của bạn vẫn ở ngoài kia, cứ tiếp tục”, ông nói.
“Còn nếu theo đuổi các ý tưởng, đó không phải là vì bạn có đam mê. Bạn theo đuổi nó vì đó là cơ hội kiếm tiền và không thực sự là thứ bạn yêu thích. Hãy để sứ mệnh dẫn đường cho mình”, ông khẳng định.
Với Alibaba, điều này có nghĩa liên tục cải tiến và đưa ra cách làm mới để đạt mục tiêu trong tình thế khó khăn. “Bạn nên nhìn vào bên trong để khắc phục bất lợi”, ông nói, “Ví dụ, bạn làm trong ngành nhà hàng và nhà hàng phải đóng cửa, bạn sẽ chẳng thể làm gì cả. Tuy nhiên, mọi người sẽ vẫn phải ăn. Một giải pháp là bán hàng mua mang về. Trong kinh doanh, sự thích nghi rất quan trọng. Làm việc nhóm và truyền thông nội bộ là chìa khóa để thích ứng với trạng thái bình thường mới”.