Facebook và Google đều bị ảnh hưởng doanh thu do nhu cầu quảng cáo điện tử sụt giảm. Hàng loạt cáo buộc độc quyền cũng khiến họ đối mặt với nguy cơ chia rẽ cao.
Facebook – “người khổng lồ” vào tầm ngắm
Đế chế mạng xã hội của Mark Zuckerberg những năm qua vướng phải không ít lùm xùm liên quan tới thương vụ thâu tóm hai nền tảng Instagram và WhatsApp. Vụ kiện buộc tội Facebook có hành vi độc quyền do Ủy ban Thương mại Liên bang tiến hành sẽ không kết thúc sớm. Tuy nhiên, đây không phải là cái kết dành cho Facebook. Thậm chí, nếu bị buộc phải thoái vốn khỏi Instagram và WhatsApp, Facebook vẫn kiếm được một khoản lợi nhuận kếch xù.
Năm ngoái, dù có doanh số bán quảng cáo sụt giảm nghiêm trọng trong khoảng thời gian đầu năm, Facebook đã chứng kiến doanh thu phục hồi vào những tháng sau đó nhờ nhu cầu tiếp cận khách hàng tăng cao của các doanh nghiệp nhỏ.
Cụ thể, trong quý III/2020, doanh thu quảng cáo của Facebook tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Trong chín tháng đầu năm, tổng doanh thu cao hơn gần 17% so với cùng kỳ năm 2019. Bất chấp khoản chi phí khổng lồ để cập nhật biện pháp kiểm soát quyền riêng tư và tuân thủ các yêu cầu khác của cơ quan quản lý, dòng tiền tự do của Facebook vẫn đạt 13,8 tỷ USD trên doanh thu 57,9 tỷ USD. Tỷ suất lợi nhuận dòng tiền tự do đạt 24%. Dòng tiền tự do được xem là thước đo hoạt động của doanh nghiệp và được tính bằng hiệu số giữa dòng tiền hoạt động và chi tiêu vốn.
Theo báo cáo công bố vào cuối tháng 9/2020, Facebook nắm khoảng 55,6 tỷ USD tiền mặt, đầu tư nhiều loại chứng khoán ngắn hạn và có khoản nợ bằng không. Nếu phải bán bớt Instagram và WhatsApp, “kho vũ khí” của hãng sẽ lớn hơn, tạo điều kiện cho Facebook triển khai mạnh hoạt động kinh doanh kính thực tế ảo Oculus và tiền kỹ thuật số.
Hiện tại, 99% doanh thu của Facebook là từ quảng cáo, nhưng một thập kỷ tới, công ty này sẽ hoàn toàn khác.
Google – tìm kiếm không phải mục đích duy nhất
Google cũng không thể tránh khỏi kiểm soát gắt gao của các cơ quan quản lý. Công ty cũng bị Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc có hành vi chống cạnh tranh trong các hoạt động kinh doanh quảng cáo và tìm kiếm trên Internet. Tuy nhiên, vụ việc sẽ không được đưa ra xét xử cho đến năm 2023 và trong thời gian chờ đợi, Google buộc phải đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh để thoát khỏi sự phụ thuộc vào quảng cáo số.
Google năm qua đã làm rất tốt việc này. Dù quảng cáo vẫn chiếm 80% tổng doanh thu trong quý III/2020, dịch vụ lưu trữ đám mây Google Cloud đã đạt được bước tiến vượt bậc với mức doanh thu tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 3,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu tổng. Google Other, bao gồm cửa hàng ứng dụng, dịch vụ YouTube và dòng thiết bị Pixel, tăng 35% – lên 5,5 tỷ USD, chiếm 12% doanh thu. Tiếp đó là danh mục đầu tư vào nhiều công ty khởi nghiệp, như Waymo trong lĩnh vực ôtô tự lái hay Verily chuyên về khoa học đời sống. Google đang rót một lượng vốn lớn vào các doanh nghiệp này nhằm chiếm lĩnh các thị trường mới.
Nói về tiền mặt, Google thực sự không thiếu tiền. Ngay cả sau khi đầu tư rất nhiều vào các startup, trong chín tháng đầu năm 2020, công ty nãy vẫn tạo ra được dòng tiền tự do đạt 25,6 tỷ USD trên doanh thu 125,6 tỷ USD. Tỷ suất lợi nhuận dòng tiền tự do là 20%.
Cũng giống Facebook, nhiều chuyên gia dự đoán cơ quan quản lý sẽ giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh của “gã khổng lồ” tìm kiếm. Nhưng với lượng tiền mặt gần 132,6 tỷ USD, cùng khoản nợ chỉ 13,9 tỷ USD, Google là một trong những tổ chức có túi tiền “sâu” nhất trên thế giới.
Công ty nào mạnh hơn?
Facebook, Google và ngành công nghệ nói chung sẽ phải đối mặt với các hành động quản lý cứng rắn của chính quyền Mỹ trong những năm tới, nhưng cả hai đều không dễ bị lật đổ.
Theo nhà đầu tư Nicholas Rossolillo của trang Money Fool, Google trong năm tới sẽ sẵn sàng phục hồi tốt hơn trong hoạt động kinh doanh quảng cáo. Công ty này cũng có nguồn thu đa dạng hơn, các mảng tăng trưởng cao như Google Cloud có thể thành công khi đạt được quy mô sinh lời. Facebook, một mặt nào đó, khó bằng được Google khi xét về lòng tin trong nội bộ nhân viên công ty lẫn kết quả xử lý khủng hoảng tin giả vừa qua.