Dịch bệnh hiện đã kiểm soát tốt, nhiều người vẫn quen với mua hàng tạp hóa, thực phẩm và thậm chí nông sản qua mạng.
Bắt tay với Saigon Co.op, hôm 10/6, MoMo mở bán ưu đãi vải thiều Lục Ngạn với giá 19.600 đồng mỗi kg, nhằm kêu gọi người dân ủng hộ nông sản Việt trong lúc xuất khẩu khó hơn vì Covid-19.
Đến 16h cùng ngày, ví điện tử này thông báo đã bán được 7 tấn vải, với hơn 1.200 đơn hàng trong 8 tiếng. Có khách đặt mua cùng lúc 90 kg. Đại diện Saigon Co.op lý giải, sở dĩ nhiều người đổ xô lên ứng dụng mua vải do mức giá 19.600 đồng là khá “hời”. Nếu mua tại kênh phân phối hiện đại, giá vải thiều đang dao động từ 21.000-28.000 đồng mỗi kg sau khuyến mại.
Hơn nữa, MoMo cho rằng người tiêu dùng trước đây đã quá quen thuộc với các chương trình ủng hộ nông sản offline nhưng bất tiện là phải đến tận nơi để mua sắm. Chương trình nay được đưa lên trực tuyến, tạo thuận lợi nhiều hơn về giá, vận chuyển nên được ủng hộ mạnh.
Theo một khảo sát gần đây của Criteo về tác động của Covid-19 đối với hành vi tiêu dùng, 76% số người Việt được hỏi cho biết họ mua hàng trực tuyến nhiều hơn so với thông thường, trong khi chỉ có 15% mua sắm với tần suất tương đương.
Cũng theo khảo sát, những mặt hàng thiết yếu là lựa chọn chủ đạo. Cụ thể, 62% số người tham gia khảo sát nói họ mua hàng tạp phẩm và đồ dùng vệ sinh cá nhân qua giao dịch trực tuyến nhiều hơn.
Hệ thống dữ liệu thu thập được của Criteo cũng cho thấy, đầu năm đến nay, bán lẻ trực tuyến vẫn phát triển mạnh so với cùng kỳ năm 2019. Ông Steven Nguyễn, Giám đốc Cấp cao khu vực Đông Nam Á của Criteo chia sẻ, chung cả khu vực, có sự gia tăng của mua sắm trực tuyến, với nhiều sản phẩm khác nhau, từ chăm sóc sức khỏe sắc đẹp đến điện tử tiêu dùng, thực phẩm & đồ uống đến máy sinh trắc học.
“Các biện pháp như cách ly xã hội và hạn chế đi lại đã làm giảm mọi hoạt động và di chuyển. Vì thế, không thể tránh khỏi nhu cầu và thói quen hàng ngày của con người cũng thay đổi,” ông Steven Nguyễn, đánh giá.
Trong một nhận định phát đi hôm 10/6, Visa Việt Nam cho rằng, sự chuyển dịch sang thương mại điện tử đang diễn ra ở phạm vi rộng hơn. Đồng thời, có sự biến chuyển trong chi tiêu đối với các sản phẩm thiết yếu hàng ngày như nhu yếu phẩm và dược phẩm.
Các chuyên gia trong ngành nhận định, cửa hàng trực tuyến hiện là đích đến của người tiêu dùng. Vì thế, nhà bán lẻ nên điều chỉnh trải nghiệm khách hàng hấp dẫn hơn, không chỉ thu hút khách trung thành mà còn những người mới.
“Các thương hiệu có thể nghĩ đến việc tạo ra các chương trình giúp khách hàng xây dựng mối quan hệ lâu dài với kênh hoặc ứng dụng mua sắm trực tuyến”, ông Steven Nguyễn nói. Đồng thời ông cho rằng việc này bao gồm cung cấp các sản phẩm có nhu cầu tiêu dùng cao hoặc các chương trình tri ân khách hàng thân thiết và tạo nhiều ưu đãi cho họ tham gia nhiều nhất.